Theo dòng lịch sử, chúng ta trở lại thời kỳ gần 2000 năm về trước, tái hiện lại lịch sử hội quân, tế cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán giành độc lập, tự do cho dân tộc tại lễ hội 4/9 Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội.
Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) là dòng dõi Vua Hùng, sinh ra vào thời đất nước ta bị quân Đông Hán thống trị, do Thái thú Tô Định trực tiếp thi hành các chính sách cực kỳ dã man, hà khắc. Năm 19 tuổi, Trưng Trắc kết thân vợ chồng với Thi Sách. Theo sách Thiên Nam ngữ lục: thấy thế giặc mạnh, trước khi sa vào tay giặc, Thi Sách đã khuyên Trưng Trắc về Hát Môn - nơi có thế dụng binh để mưu nghiệp lớn. Nghe lời khuyên của Thi Sách, Hai Bà Trưng chọn Hát Môn xây thành, đắp lũy, tụ nghĩa, khởi binh, lập đàn thề và xuất quân đánh giặc. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bắt đầu từ cửa sông Hát, vùng Hát Môn - nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Bà Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị lãnh đạo quân dân đứng lên đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán. Trước mặt quân sĩ và dân chúng, Hai Bà Trưng đã long trọng tuyên đọc lời thề xuất quân ra trận:
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.
Xuất trận từ cửa sông Hát, quân khởi nghĩa tiến đánh Mê Linh, Cổ Loa rồi rầm rập kéo thẳng về Luy Lâu (Thuận Thành - Bắc Ninh) - thủ phủ bọn đô hộ nhà Hán đang chiếm đóng. Cuộc khởi nghĩa diễn ra với khí thế hào hùng:
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Cuộc khởi nghĩa được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Nghĩa quân của Hai Bà Trưng đi đến đâu chính quyền và quân đội nhà Hán tan vỡ đến đó. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 thành trì, là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó; Tô Định phải bỏ chạy về nước, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên sau Công nguyên được thành lập, Trưng Trắc xưng Vương và đóng đô ở Mê Linh.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Sau hai năm giữ nền độc lập, đến năm 42, nhà Hán cử viên tướng Mã Viện cầm đầu đem 2 vạn quân sang xâm chiếm lại nước ta. Sau một năm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường với quân giặc nhưng vì sức yếu quân ta phải lui về Cấm Khê. Hai Bà đã qua vùng căn cứ cũ, ghé vào quán hàng bánh ăn một đĩa bánh trôi và hai quả muỗm, sau đó Hai Bà gieo mình xuống dòng sông Hát để tránh không sa vào tay giặc. Hôm đó là ngày 6 tháng 3 năm 43 sau Công nguyên.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng biểu thị cho tinh thần bất khuất của dân tộc ta nói chung và tinh thần yêu nước, dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo của người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Tinh thần ấy đã lắng đọng từ ngàn năm ở vùng đất Cổ xứ Đoài, sống mãi với thời gian và trong tâm thức dân gian.
Để tỏ lòng tôn kính và tri ân công đức của bậc Thánh Vương, nhân dân ta đã lập Đền thờ Hai Bà Trưng trên chính mảnh đất Hai Bà đã dựng binh, phất cờ khởi nghĩa và cũng là nơi Hai Bà hóa thân về cõi vĩnh hằng (nay là Đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ).
Là ngôi đền thiêng, cổ kính, nơi đây là một quần thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục quan trọng như: Nhà Ngự dội, nhà Tạm ngự, Quán Tiên, Nghi môn, Thủy đình, Đàn thề đá, cổng Tam quan, Đền chính (nhà Đại bái, Thiêu hương, Hậu cung), Tả mạc, Hữu mạc, nhà Che bia, Gò Giấu ấn, sông Hát, nhà Tưởng niệm nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Định, nhà khách và không gian lễ hội rộng lớn.
Trải qua nhiều thế kỷ với sự biến thiên của thời cuộc, đền Hát Môn còn lưu giữ được bộ di vật văn hóa, lịch sử gồm: 293 di vật và cổ vật, đặc biệt là 22 đạo Sắc phong có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn, trong đó Sắc phong có niên đại sớm nhất thời Cảnh Hưng (1740 - 1786).
Với giá trị văn hóa, lịch sử to lớn và kiến trúc độc đáo, đền Hát Môn được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1964, di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, lễ hội truyền thống Đền Hát Môn - di sản văn hóa phi vật thể năm 2016. Đồng thời, để tưởng nhớ công đức to lớn của Hai Bà, theo truyền thống, hàng năm nhân dân địa phương đều tổ chức ba lễ hội vào các ngày 6 tháng 3, ngày 4 tháng 9, ngày 24 tháng Chạp.
Lễ hội 6/3 hàng năm được tổ chức với quy mô lễ hội vùng và đã trở thành lễ hội truyền thống đi vào tâm thức, tình cảm, niềm tin của mỗi người dân Hát Môn.
Lễ hội 4/9 là một lễ hội đặc biệt gắn với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Chính vì vậy, để Lễ hội này trở thành lễ hội lớn và dần đi vào tiềm thức của người dân, giúp người dân cảm nhận và tái hiện được lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Năm nay xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ tổ chức lễ hội 4/9 trong 3 ngày (mồng 2,3,4/9 năm Giáp Thìn) với quy mô lễ hội vùng có sự tham gia rước kiệu của 17 di tích trong khối liên hiệp các di tích của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Cho đến thời điểm hiện tại, Lễ hội 4/9 đã và đang được xã Hát Môn và huyện Phúc Thọ chuẩn bị và dàn dựng kịch bản tổ chức công phu, đặc sắc, gồm Lễ trình khai hội, tế cáo yết, tế tam sinh, rước lễ làng và rước kiệu của 17 di tích trong khối liên hiệp các di tích của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chương trình nghệ thuật chuyện nghiệp với màn trống khai hội, trích hoạt cảnh “Hai Bà Trưng phất cờ nương tử” gắn với công bố điểm Du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn… Tại lễ hội còn diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT trọn vẹn vào ngày mồng 2 và mồng 3 tháng 9.
Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức Lễ hội và với ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chắc chắn rằng du khách và Nhân dân sẽ được chứng kiến một lễ rước vô cùng đặc sắc và độc đáo tại Lễ hội 4/9 di tích quốc gia đặc biệt Đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội.